Cần thiết phải trang bị kiến thức, kỹ năng để trẻ có thể vững vàng khi ở nhà một mình, đặc biệt vào dịp nghỉ hè này.
Chỉ bắt đầu khi đã thực sự sẵn sàng
Việc các bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng khi lần đầu tiên để bé yêu ở nhà mà không có sự giám sát của mình là rất tự nhiên. Nhưng bạn có thể cảm thấy tự tin hơn nếu có sự chuẩn bị đầy đủ và thử nghiệm một vài lần. Nếu được làm tốt, ở nhà một mình có thể trở thành một trải nghiệm tích cực đối với bé, giúp bé tự tin và độc lập hơn.
Trước tiên, bạn nên hỏi con xem bé cảm thấy thế nào nếu ở nhà một mình. Nhưng hầu hết mọi đứa trẻ sẽ trả lời là chúng hoàn toàn có thể làm được trước khi bố mẹ thực sự cảm thấy yên tâm với chuyện đó. Nhưng nhìn chung, bạn không nên để các bé dưới 10 tuổi ở nhà một mình. Mọi đứa trẻ đều khác nhau, nhưng ở độ tuổi này, hầu hết đều không có đủ sự trưởng thành và kỹ năng để đối phó với các tình huống khẩn cấp nếu ở một mình.
Trước khi để trẻ ở nhà một mình, bạn cũng phải xác định rõ về nơi mà bạn đang sống. Liệu bạn có quen thân với hàng xóm và tin tưởng họ sẽ giúp con bạn trong những tình huống khẩn cấp hay không? Hay bạn hoàn toàn không quen biết họ? Bạn đang sống trên một con phố tấp nập có nhiều xe cộ hay đang sống trong một khu phố yên tĩnh? Khu bạn sống có thường xảy ra tội phạm không?
Tuy nhiên, phần quan trọng nhất là cha mẹ phải tự đánh giá được năng lực của con mình. Những câu hỏi dưới đây sẽ giúp bạn cân nhắc xem trẻ đã thực sự sẵn sàng cho việc này chưa. Hãy quan sát trẻ và trả lời các câu hỏi:
Bé có thể hiện những dấu hiệu của tinh thần trách nhiệm với những thứ như bài tập, việc nhà, và nghe lời bố mẹ không?
Bé sẽ đối phó với những tình huống bất ngờ như thế nào? Bé có đủ bình tĩnh khi mọi thứ diễn ra không như mong muốn của bé không?
Bé có hiểu và nghe theo những nguyên tắc của bố mẹ không?
Bé có thể hiểu và làm theo những phương pháp về an toàn không?
Bé có khả năng phán đoán tốt không hay lúc nào cũng sẵn sàng mạo hiểm?
Bé có những kiến thức cần thiết về sơ cấp cứu không?
Bé có nghe theo những lời dặn của bạn về việc tránh xa người lạ không?
Để an toàn, cần phải có thử nghiệm
Nhìn chung không nên để trẻ dưới 10 tuổi ở nhà một mình vào bất kỳ khoảng thời gian nào. Những em bé ở nhà một mình phải cầm chìa khóa để có thể mở cửa vào nhà. Đây là trách nhiệm lớn đối với trẻ, và cha mẹ phải chuẩn bị đầy đủ cho bé. Ngay cả khi bạn đã hoàn toàn tự tin về sự trưởng thành của con mình, hãy thử làm một vài bài kiểm tra trước khi thực sự để bé ở nhà một mình.
Hãy thử để bé ở nhà một mình từ 30 phút đến 1 tiếng trong khi bạn vẫn ở rất gần bé và hoàn toàn có thể có mặt ngay nếu có vấn đề xảy ra.
Khi bạn về nhà, hãy hỏi bé mọi chuyện diễn ra như thế nào và thảo luận với bé về những thứ bạn muốn thay đổi hoăc những kỹ năng mà bé cần phải học cho lần sau. Nếu bé tỏ ra thoải mái và có thể làm tốt việc ở nhà một mình, bạn có thể dần dần tăng thời gian lên đến 1-2 giờ cho những đứa trẻ dưới 12 tuổi.
Khi đã chắc chắn, hãy bắt đầu bằng những nguyên tắc sau:
Theo lời khuyên từ tổ chức bảo vệ trẻ em Kidproof Đông Nam, dưới đây là những hướng dẫn an toàn dành cho cha mẹ:
– Dán tất cả những số điện thoại quan trọng ở những nơi bé dễ thấy trong nhà, bao gồm số điện thoại bàn, số di động, số cơ quan của những người thân trong gia đình, họ hàng, bạn bè và hàng xóm đáng tin cậy. Luôn luôn bao gồm những số 113, 114 và 115 ở ngay đầu danh sách
– Hãy chắc chắn rằng con bạn biết rõ số điện thoại và địa chỉ của bé/của gia đình. Viết những số này vào danh sách điện thoại quan trọng. Điều này là cần thiết với tất cả mọi người, đặc biệt với một đứa trẻ đang hoảng loạn trong trường hợp khẩn cấp. Nhìn thấy số này trong danh sách, bé có thể dễ dàng đọc to cho người trực điện thoại 113 khi khẩn cấp.
– Luôn có sẵn một bộ đồ sơ cứu trong nhà. Dạy con bạn những kỹ năng sơ cứu cơ bản đầu tiên.
– Để đèn pin, nến, các thiết bị chạy bằng pin ở vị trí dễ lấy trong trường hợp mất điện. Hãy chỉ cho bé chỗ để những vật này.
– Đảm bảo rằng con luôn biết cách liên lạc với bạn khi bạn đi vắng, bé biết số điện thoại cầm tay cũng như số điện thoại văn phòng của bạn. Hãy thường xuyên kiểm tra hộp thư tin nhắn và nhanh chóng bắt máy khi thấy cuộc gọi hay tin nhắn của con.
– Dự trữ một số thực phẩm ăn liền được đóng gói sẵn thay vì cho phép trẻ nấu ăn khi không có sự giám sát của người lớn trong nhà.
– Thường xuyên gọi và kiểm tra con mình. Hãy cho bé biết nếu bạn về muộn.
– Ngoài ra, bạn cũng phải dặn dò trẻ không được mở cửa cho người lạ không đáng tin vào nhà để tránh bị bắt cóc hay trộm cướp.
– Luôn để sẵn trong nhà bộ sơ cứu và một chiếc đèn pin ở nơi bé dễ lấy, phòng khi có việc khẩn cấp như mất điện, bé đứt tay,… Dạy con cách sử dụng những đồ vật đó.
– Dự trữ một số thực phẩm ăn liền được đóng gói sẵn thay vì cho phép trẻ nấu ăn khi không có sự giám sát của người lớn trong nhà.
– Khóa kĩ những đồ đạc nguy hiểm như hóa chất, thuốc độc hại, dao,… ở trong tủ và xa tầm với của bé
– Dặn bé gọi cho bạn hoặc bạn gọi cho bé thường xuyên để thông báo tình hình ở nhà. Tùy vào tình hình bé nhà bạn phải ở nhà một mình trong bao lâu, bạn nên nhờ một người thân tín thỉnh thoảng ghé qua để trông chừng bé.
– Đề ra một số quy định nghiêm ngặt và yêu cầu trẻ thực hiện để đảm bảo an toàn khi ở nhà một mình như: Không nấu nướng, không dùng lò vi sóng, không đụng đến bếp ga, bếp điện,… Không trả lời điện thoại bàn hay mở cửa cho ai vào; Không rủ bạn bè qua nhà; Luôn đóng cửa sổ và cửa ra vào.
– Một khi đã cảm thấy nhàm chán vì bị nhốt trong nhà, trẻ dễ tò mò, nghịch ngợm, phát sinh nhiều tình huống nguy hiểm. Bạn nên đề ra danh sách những việc trẻ cần làm và yêu cầu con hoàn thành trước khi bố mẹ về như làm bài tập về nhà, vẽ tranh, quét nhà,…
– Nên tạm cất những vật dụng có thể gây nguy hiểm cho trẻ như dao, kéo, hóa chất, rượu, bật lửa, diêm, bình nước nóng… Lưu ý các ổ cắm điện trong nhà và khóa bình gas cẩn thận. Khi ở nhà một mình, có thể trẻ sẽ khám phá mọi thứ và vô tình đụng đến những vật này. Cần nhắc trẻ nguyên tắc: Tuyệt đối không táy máy các ổ cắm điện, bếp gas, nếu có lửa cháy thì phải chạy ngay ra khỏi nhà. Bạn cũng cần xem xét an ninh quanh nhà mình có tốt không, hàng xóm là những người thế nào…
(Theo Gia đình & Xã hội)