Làm việc nhà là cách đơn giản nhất giúp cha mẹ dạy con tự lập và học được tinh thần trách nhiệm. Ở phòng khám Cây Thông Xanh của chúng tôi, có một câu hỏi thường xuyên được nghe từ phía cha mẹ của con, là con rất lười biếng, không chịu làm việc giúp cha mẹ, suốt ngày chỉ biết nằm dài xem tivi, chơi điện tử. Cha mẹ đi làm về mệt nhọc, lại vội vàng lao vào chuẩn bị cơm cơm nước nước mà con cũng không thấy có phần trách nhiệm gì trong đó. Con cái thường coi đó như là trách nhiệm của cha mẹ.
Phải khẳng định rằng tất cả trẻ con đều thích làm việc nhà. Hãy cứ xem những em bé lăng xăng bên mẹ khi mẹ nấu cơm, em đòi nhặt rau, đòi rửa bát, đòi dọn bàn ăn sẽ thấy, tình yêu làm việc của các em lớn lắm. Vậy có khi nào tình yêu làm việc của các em tự mất đi, khi các em lớn lên hay không?
Thực ra, tình yêu công việc, đặc biệt là việc nhà là do các em được cha mẹ dậy dỗ từ nhỏ. Khi các em lăng xăng bên cha mẹ đòi được cầm cọng rau để nhặt, cha mẹ đã làm gì khuyến khích em hay là quát lên “Đi ra ngoài kia chơi đi để mẹ làm”. Lần nào muốn làm gì cũng nghe câu “để mẹ làm”, dần dần lớn lên các em sẽ coi việc nhà đương nhiên không phải việc của mình. Chính vì thế mà mọi việc trong nhà các em đều “để mẹ làm” như một lẽ đương nhiên.
Có lần, nhà có khách, tôi đang rửa cả chồng bát ở ngoài sân thì bé Bông nhà chị bạn cứ lân la đến gần rồi cười rất bẽn lẽn. Đoán rằng em đang thích nghịch nước, tôi hỏi “con thích rửa bát phải không?”. Em gật đầu “Vâng” rất nhanh. Tôi nheo mắt: “Thế còn chần chừ gì nữa, rửa luôn”. Em xông xáo xắn tay áo, nhanh tay cho bát xuống dưới vòi nước rất chuyên nghiệp. Tôi hỏi “Bông thích rửa bát thế ở nhà Bông có giúp mẹ rửa bát không?”. Bông hồn nhiên trả lời “Không ạ, mẹ không cho cháu rửa”. Tôi hiểu lý do vì sao mẹ không để em rửa bát. Mẹ em cũng như nhiều bà mẹ khác, sợ em rửa bát không sạch, sợ rửa xong bát thì em cũng ướt hết quần áo, bẩn hết người. Nhưng có sao đâu so với việc em đã biết yêu lao động, biết thích làm việc nhà. Và quan trọng hơn là biết không để toàn bộ việc nhà “để mẹ làm” khi em lớn lên.
tre lam viec nha
Trẻ em khi được giao việc, các em sẽ rất háo hức với công việc mình được làm, và quan trọng hơn là các em cảm thấy mình rất quan trọng đối với gia đình. Và đó cũng chính là một cách để bố mẹ dạy con về vai trò, vị trí của con trong gia đình.
Có lần đến nhà chị bạn chơi, tôi thấy con trai 3 tuổi của chị chạy ra hào hứng lấy cho chị miếng lót chân chống xe cho nền nhà khỏi xước, chờ mẹ dắt xe vào là con háo hứng đặt miếng lót vào chân chống. Rồi em lấy chổi ra quét quét nền nhà. Hẳn các bạn biết bé 3 tuổi mà quét nhà thì như thế nào rồi đấy, nhưng chị vẫn kiên nhẫn đứng nhìn bé quét, không chê bai, không chỉ trích. Bé quét xong chị động viên “Con trai mẹ chăm chỉ quá, biết giúp mẹ quét nhà khi mẹ đi làm về rồi nhé”. Em cười mắt long lanh “tuổi nhỏ làm việc nhỏ mẹ nhỉ”, rồi em xách túi giúp mẹ mang vào nhà. Đợi em vào phòng khác, chị nhẹ nhàng lấy chổi quét lại nhà cho sạch. Chị bảo nếu chị quét nhà luôn thì sẽ không tốn thời gian cho việc quét nhà 2 lần, nhưng chị vẫn kiên trì chờ đợi. Bởi với chị, tốn một chút thời gian hôm nay dạy con lao động, dạy con tự lập, ngày sau chị sẽ được an nhàn, nghỉ ngơi mà không phải tất tả, vội vã về nấu cơm cho các con hai ba mươi tuổi đầu đang chờ mẹ về nấu bữa tối.