I.Vệ sinh môi trường, khử khuẩn tại trường học
Khử khuẩn bằng các chất tẩy rửa thông thường như dung dịch tẩy rửa đa năng hoặc các dung dịch khử khuẩn có chứa 0,05% Clo hoạt tính hoặc dung dịch có chứa ít nhất 60% cồn. Ưu tiên khử khuẩn bằng cách lau rửa.
Trước khi học sinh quay trở lại trường
1. Vệ sinh ngoại cảnh (phát quang bụi rậm, không để nước đọng).
2. Khử khuẩn trường học 01 lần: Phun hoặc lau nền nhà, tường nhà, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ vật trong phòng…
Trong thời gian học sinh học tại trường
1. Mỗi ngày 01 lần, sau buổi học: Lau khử khuẩn nền nhà, tường nhà (nếu có thể), bàn ghế, đồ chơi, dụng cụ học tập, đồ vật trong phòng học, phòng chức năng. Dọn vệ sinh, lau rửa, khử khuẩn khu vực rửa tay, nhà vệ sinh.
2. Mỗi ngày 02 lần, sau giờ học buổi sáng và cuối ngày: Lau khử khuẩn tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, tay vịn lan can, nút bấm thang máy.
3. Mỗi ngày 02 lần, sau mỗi chuyến đưa, đón học sinh: Lau khử khuẩn tay nắm cửa xe, tay vịn, ghế ngồi, cửa sổ, sàn xe.
4. Mở cửa ra vào và cửa sổ lớp học, sử dụng quạt, không sử dụng điều hòa.
5. Hạn chế sử dụng đồ chơi, dụng cụ học tập bằng các vật liệu không khử khuẩn được.
6. Bố trí đủ thùng đựng rác, thu gom, xử lý hàng ngày.
7. Trường hợp có học sinh biểu hiện sốt, ho, khó thở, nghi ngờ hoặc có xét nghiệm dương tính với COVID-19 thì thực hiện khử khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.
II. Những việc cần làm khi học sinh bị sốt, ho, khó thở tại trường học
Ngay sau khi phát hiện học sinh có biểu hiện sốt, ho, khó thở: cần tiến hành các bước sau:
1. Đưa học sinh đến khu cách ly riêng trong phòng y tế hoặc khu vực do nhà trường bố trí. Cung cấp khẩu trang y tế và hướng dẫn đeo đúng cách cho học sinh.
2. Y tế nhà trường phối hợp với cha mẹ khai thác tiền sử tiếp xúc của học sinh (trong vòng 14 ngày trước đó có đi về từ vùng dịch hoặc có tiếp xúc gần với những người đi về từ vùng dịch, người nghi ngờ, người có xét nghiệm dương tính với COVID-19).
3. Tham vấn ý kiến của cán bộ y tế xã, phường hoặc y tế địa phương để khẳng định về tiền sử tiếp xúc dịch tễ.
4. Nếu không có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì điều trị các triệu chứng sốt, ho, khó thở. Phối hợp với cha mẹ đưa học sinh đến cơ sở y tế gần nhất nếu cần.
5. Nếu có yếu tố tiếp xúc dịch tễ thì phối hợp cơ quan y tế tại địa phương đưa học sinh đến cơ sở y tế theo quy định để cách ly và điều trị.
6. Trường hợp có học sinh biểu hiện sốt, ho, khó thở, nghi ngờ hoặc có xét nghiệm dương tính với COVID-19 thì nhà trường thực hiện khử khuẩn theo hướng dẫn của cơ quan y tế địa phương.